Chuẩn bị mang thai sau thai lưu là một trong những kiến thức quan trọng mọi người cần biết nếu chẳng may rơi vào hoàn cảnh “mất con”. Tất cả những thông tin được cung cấp dưới đây hy vọng sẽ giúp các mẹ có cái nhìn tổng quát nhất về vấn đề này, từ đó có kế hoạch và chuẩn bị mang thai một lần nữa được thuận lợi nhất.
Thai lưu là một trong những biến cố mà không một người mẹ nào mong muốn xảy ra trong cuộc đời. Nó để lại nỗi đau vô cùng lớn không chỉ về mặt thể chất mà còn cả mặt tinh thần cho người làm mẹ. Thế nhưng, cuộc đời không ai học được chữ “Ngờ”, đôi khi mình không mong muốn nhưng rủi ro, rắc rối cùng những thương đau vẫn luôn bám lấy mình.
Chính vì thế, không một mẹ bầu nào được phép chủ quan trước vấn đề thai chết lưu. Vậy đây là hiện tượng gì, nguyên nhân và dấu hiệu ra sao? Để chuẩn bị mang thai sau khi bị thai lưu cần chuẩn bị những gì? Dưới đây sẽ là tất cả thông tin quan trọng phụ nữ chuẩn bị mang thai, đang mang thai hoặc những người đang phải trải qua giai đoạn mất con vì thai lưu nhất định phải biết.
Thai lưu là gì? Nguyên nhân và biểu hiện ra sao?
Thai lưu (thai chết lưu) là tình trạng thai không phát triển, bị chết và lưu lại trong tử cung của mẹ trước khi chào đời. Theo các chuyên gia khoa sản, nếu thai chết lưu khi mới 1 – 2 tháng thì có thể tự tiêu biến đi, khi ấy thậm chí chính bản thân người mẹ cũng không biết là mình đã có thai và thai bị lưu.
Nếu thai chết lưu trong khoảng thời gian 3 – 6 tháng thì sẽ được các bác sĩ tiến hành hút thai chân không hoặc nạo gắp thai. Nếu mẹ mang bầu trên 6 tháng mà phát hiện thai bị lưu thì sẽ được sử dụng phương pháp đẻ non ra ngoài. Thông thường, theo các chuyên gia, thai lưu ở tuổi thai càng lớn thì thời gian lưu lại trong tử cung của mẹ càng ngắn.
Trước khi chuẩn bị mang thai sau thai lưu, chị em phụ nữ cần tìm hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng thai lưu ở lần trước đó. Một khi biết chính xác nguyên nhân, bác sĩ sẽ đưa ra những lời khuyên, tư vấn chính xác nhất giúp mẹ sớm mang bầu trở lại và có một thai kỳ khỏe mạnh, thành công. Vậy nguyên nhân dẫn đến tình trạng thai chết lưu là gì?
Nguyên nhân của thai chết lưu
Theo các chuyên gia khoa sản, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thai chết lưu, thậm chí còn có những trường hợp không tìm được chính xác nguyên nhân. Tuy nhiên, chung quy lại có hai nhóm nguyên nhân nổi bật là:
-
Nguyên nhân từ phía người mẹ
– Mẹ mắc bệnh mãn tính: Nếu mẹ không may mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim, suy gan, suy thận, bệnh về tuyến giáp, huyết áp cao… thì nguy cơ thai chết lưu tương đối cao.
– Mẹ bị nhiễm trùng: Theo nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới, nếu mẹ bị nhiễm trùng, mắc bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, vùng kín bị viêm nhiễm… thì có khả năng lớn sẽ lây lan sang thai nhi khiến thai ngừng phát triển.
– Bất thường ở tử cung: Thông thường các bất thường về tử cung như tử cung hình vòm (phần đáy của lòng tử cung hơi lõm), cung đôi… chỉ được phát hiện khi bạn khi khám phụ khoa, khám thai có chẩn đoán bằng hình ảnh. Chúng đều ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của người phụ nữ, tăng nguy cơ thai chết lưu hoặc sinh non.
– Chế độ dinh dưỡng không đảm bảo: Nếu trong thời gian mang thai, mẹ không chú ý đến chế độ dinh dưỡng hoặc ăn phải những thực phẩm không đảm bảo chất lượng, hoặc thực phẩm chứa thành phần nguy hại cho thai nhi thì nguy cơ thai ngừng phát triển là rất cao.
– Mẹ mang thai khi đã lớn tuổi: Một trong những rủi ro cho phụ nữ mang thai ở độ tuổi ngoài 40 đó là dễ gặp phải nhiều tình huống không mong muốn như sảy thai, mang thai ngoài tử cung, đái tháo đường thai kỳ…
-
Nguyên nhân từ phía thai nhi
– Bất thường nhiễm sắc thể: Theo các chuyên gia, các thai nhi có cấu trúc nhiễm sắc thể bất bình thường sẽ có nguy cơ cao bị chết lưu hoặc tử vong ngay sau khi chào đời.
– Bất thường ở dây rốn, bánh nhau: Khi tiến hành siêu âm, xét nghiệm nếu phát hiện thai nhi gặp bất thường ở dây rốn, bánh nhau thì người mẹ nên cẩn thận và chuẩn bị sẵn tinh thần vì tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
– Khác biệt nhóm máu giữa mẹ và con: Trước khi chuẩn bị mang thai sau thai lưu, người mẹ cần biết rằng sự khác biệt nhóm máu giữa mẹ và con cũng có thể dẫn đến thai lưu.
Dấu hiệu nhận biết thai lưu
Nếu thai lưu ở lại trong tử cung người mẹ quá lâu thì nguy cơ mẹ bị nhiễm trùng, rối loạn đông máu là rất cao. Chính vì thế việc sớm phát hiện tình trạng thai lưu là vô cùng quan trọng để bác sĩ sẽ có biện pháp can thiệp kịp thời tránh ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tính mạng của người mẹ. Các dấu hiệu nhận biết thai lưu gồm:
– Thai nhi giảm dần chuyển động: Nếu mẹ bất ngờ không cảm nhận thấy chuyển động nào của thai nhi trong khoảng 8-10 giờ thì cần đi khám ngay nhé.
– Không nghe được tim thai: Một khi không nghe được tim thai, mẹ bầu cần chuẩn bị sẵn tinh thần vì nguy cơ mất con là rất cao.
– Tử cung người mẹ không phát triển: Nếu tử cung người mẹ ngừng mở rộng, điều đó đồng nghĩa với việc thai nhi đang gặp nguy hiểm.
– Nước ối rò rỉ: Đây là một trong những dấu hiệu nhận biết thai lưu quan trọng.
– Tiết dịch âm đạo bất thường: Trong quá trình mang thai, nếu bất ngờ nhận thấy dịch âm đạo xuất hiện bất thường thì mẹ nên đi khám ngay.
Những bà mẹ có nguy cơ bị thai chết lưu
Để chuẩn bị mang thai sau khi thai bị lưu, những chị em phụ nữ nào thuộc các diện dưới đây thì cần lưu ý trong suốt thời gian mang thai để tránh rơi vào hoàn cảnh mất con:
- Mẹ mang bầu song thai, đa thai
- Mẹ đã từng có tiền sử thai chết lưu
- Mẹ mang thai trước 15 tuổi và ngoài 40 tuổi
- Mẹ thường xuyên uống rượu, hút thuốc, sử dụng chất kích thích trong thời gian mang bầu
- Mẹ béo phì, thừa cân
- Mẹ bị tiểu đường, huyết áp cao, suy thận, bệnh tim, bệnh về tuyến giáp
Sau thai lưu bao lâu nên có thai lại?
Sau khi thai lưu bao lâu thì nên có thai lại? Là thắc mắc của không ít các cặp vợ chồng khi rơi vào tình trạng này. Mất con dường như là nỗi đau không từ ngữ nào có thể tả nổi, chính vì thế với mong muốn nhanh chóng lấp đầy khoảng trống vắng này, nhiều cặp đôi đã lên kế hoạch mang thai ngay sau đó mà không biết rằng hành động vội vàng này có thể dẫn đến nhiều tác động không tốt đối với sức khỏe người phụ nữ.
Theo các chuyên gia khoa sản, nếu việc thai lưu xuất phát từ nguyên nhân là do người mẹ bị nhiễm virus, ký sinh thì việc mang thai lại ngay lập tức mà chưa kịp tiêu diệt hoàn toàn các virus sẽ dẫn đến nguy cơ thai lưu một lần nữa sẽ rất cao.
Không những việc, sau quá trình hút thai chân không, nạo gắp thai hoặc sử dụng phương pháp đẻ non… cơ quan sinh sản, tử cung của người phụ nữ còn yếu. Chính vì thế, nếu mang thai lại sau khi thai lưu 2 tháng là điều hoàn toàn không nên, nếu có thai lại rất dễ dẫn đến sảy thai.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Huyền (Phó khoa Khám bệnh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội), sau khi lấy thai lưu ra, người mẹ sẽ phải chịu khá nhiều đau đớn về mặt thể xác lẫn tinh thần. Sau khi nạo hút thai, mẹ sẽ thấy xuất hiện máu đỏ trong khoảng 1 tuần. Lúc này, tốt nhất mẹ cần nghỉ ngơi ít nhất hai tuần để hồi phục sức khỏe và tuyệt đối kiêng quan hệ tình dục.
Khoảng 3 đến 4 tuần sau ngày nạo hút thai, kinh nguyệt cũng như chức năng buồng trứng của mẹ có thể hoạt động trở lại bình thường. Tùy thuộc vào thể trạng của mỗi người mà thời gian kinh nguyệt quay lại cũng như thời gian phục hồi sẽ khác nhau. Khi ấy, niêm mạc tử cung sẽ được tái tạo lại, trứng phóng noãn chín và rụng tạo ra kinh nguyệt.
Bác sĩ Nguyễn Thị Huyền cho biết sau khoảng 1-2 tháng, khi bạn đã cảm thấy trong người khỏe mạnh, tinh thần thoải mái, vui vẻ lại và có ham muốn tình dục thì bạn hoàn toàn có thể sinh hoạt đời sống vợ chồng bình thường. Tuy nhiên, bạn vẫn cần tránh thai ít nhất 3 tháng trước khi chuẩn bị mang thai sau khi thai bị lưu.
Trong trường hợp nếu thai chết lưu ở khoảng thời gian ngoài 28 tuần tuổi thì tốt nhất phải kiêng cữ 1 năm sau mới có thai trở lại. Lúc này, khi quan hệ tình dục, bạn nên sử dụng một số biện pháp tránh thai như bao cao su, thuốc tránh thai hoặc xuất tinh ngoài âm đạo.
Bên cạnh đó, trong thời gian “hoãn” mang thai, bác sĩ Nguyễn Thị Huyền cũng khuyên các cặp vợ chồng nên đến bệnh viện, trung tâm y tế hoặc các phòng khám uy tín để làm xét nghiệm nhiễm sắc thể đồ.
Người mẹ có thể cần được kiểm tra yếu tố Rh bằng cách xét nghiệm máu. Nếu bản thân âm tính với Rh (Rh-) còn người chồng dương tính với Rh (Rh+) thì người mẹ sẽ thuộc diện đặc biệt cần được chăm sóc.
Các việc cần làm để chuẩn bị mang thai sau thai lưu
Việc đã từng một lần, thậm chí nhiều lần bị thai lưu sẽ luôn ám ảnh tâm lý và tinh thần của các cặp vợ chồng. Chính vì thế, ở những lần mang thai tiếp theo, họ dường như sẽ sinh ra cảm giác lo lắng, bất an vì họ sợ hãi nỗi đau mất con một lần nữa lại lặp lại.
Vậy để chuẩn bị mang thai sau thai lưu cần có những gì để giúp các cặp đôi hiện thực hóa giấc mơ được một lần chào đón con yêu ra đời bình an, được cưng nựng, chăm sóc và nuôi dưỡng con nên người?
Chuẩn bị về sức khỏe, tinh thần như thế nào?
Sau khi thai lưu, người chồng và những người thân xung quanh nên động viên, chăm sóc chu đáo cho người mẹ bởi lẽ hơn ai hết mẹ chính là người chịu tổn thương, đau đớn nhất khi rơi vào hoàn cảnh này.
Người thân đừng gây áp lực; đừng đổ mọi trách nhiệm, tội lỗi; đừng nói bóng nói gió… mà thay vào đó hãy dành những sự quan tâm, những lời hỏi han, động viên chân thành nhất đến người mẹ để họ sớm lấy lại tinh thần. Tinh thần tốt thì sức khỏe cũng theo đó mà tốt lên.
Sau khi thai lưu, các cặp vợ chồng tốt nhất nên “hoãn” việc có thai lại sau ít nhất 3 đến 6 tháng. Khi quyết định có thai trở lại, vợ chồng nên đến bệnh viện hoặc các trung tâm y tế để tiến hành khám, xét nghiệm để kiểm tra khả năng sinh sản của 2 vợ chồng.
Lúc này, bác sĩ sẽ sắp xếp thực hiện siêu âm tử cung phần phụ, buồng trứng, niêm mạc tử cung xét nghiệm nội tiết, xét nghiệm tinh dịch đồ, xét nghiệm nhiễm sắc thể đồ… để xác nhận xem có vấn đề gì bất thường hay không. Nếu có gì bất ổn, bác sĩ sẽ chỉ định các bạn phải điều trị dứt điểm vấn đề mới có thể mang thai trở lại.
Chế độ ăn uống để chuẩn bị mang thai sau thai lưu
Để chuẩn bị mang thai sau khi thai bị lưu, một trong những điều quan trọng mà người mẹ cần nhớ đó là chú ý chế độ ăn uống, tích cực bổ sung thêm các dưỡng chất (tinh bột, đạm, chất béo, vitamin) để giúp cơ thể khỏe mạnh.
- Các thực phẩm giàu tinh bột: Khoai lang, bột yến mạch, khoai tây, ngô, bí đỏ, các loại đậu…
- Các thực phẩm giàu chất đạm: thịt gà, cá, phô mai, đậu hũ, đậu lăng, trứng, sữa, các loại hạt, bông cải xanh, quả bơ, rau bina…
- Thực phẩm giàu chất béo: bơ, phô mát, trứng, các loại hạt, cá, các loại hạt, trứng gà…
- Thực phẩm giàu vitamin: táo, cam, măng tây, nấm, rau xanh, sữa hoặc ngũ cốc…
Ngoài 4 nhóm thực phẩm chủ yếu trên, cả hai vợ chồng nên bổ sung thêm các thực phẩm giàu axit béo omega-3, axit folic… trước khi mang thai khoảng 3 tháng.
Bố mẹ cần hạn chế thói quen gì để tránh bị thai lưu một lần nữa?
Để giảm thiểu nguy cơ thai nhi bị chết lưu, các cặp vợ chồng trước khi mang thai cần phải loại bỏ ngay lập tức các thói quen xấu dưới đây:
-
Hạn chế hút thuốc lá để chuẩn bị mang thai sau thai lưu
Thói quen hút thuốc lá của bố hoặc mẹ sẽ làm giảm khả năng thụ thai, ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng. Do đó, để sớm có “tin vui” trở lại, đồng thời giúp cả quá trình mang thai bình an, hai vợ chồng cần tuyệt đối không hút thuốc lá, hạn chế tiếp xúc với khói thuốc lá.
-
Hạn chế uống rượu bia
Theo một nghiên cứu được khảo sát trên 7.000 phụ nữ, mỗi ngày nếu chị em phụ nữ uống từ 2 ly rượu trở lên thì nguy cơ vô sinh hiếm muộn, thai chết lưu, sảy thai, sinh non là rất cao.
Trong khi đó, đối với nam giới, Bác sĩ Hồ Sỹ Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết việc sử dụng quá nhiều rượu bia dẫn đến những tác động tiêu cực cho số lượng cũng như chất lượng tinh trùng, làm tăng số lượng tinh trùng bất thường, từ đó khiến cho thai nhi có nguy cơ dị tật rất cao.
-
Hạn chế uống cà phê
Để chuẩn bị mang thai sau thai lưu, cặp vợ chồng nào là đối tượng nghiện cà phê hay các đồ ăn thức uống chứa nhiều caffeine như nước tăng lực, socola, trà đen… thì nên hạn chế lượng tiêu thụ của mình bởi thói quen này có ảnh hưởng đến khả năng thụ thai.
Đặc biệt, nếu trong thời gian mang thai, người mẹ dung nạp quá nhiều đồ chứa caffeine sẽ làm tăng nguy cơ thai chết lưu, sảy thai.
-
Đừng quá căng thẳng, lo lắng
Sau lần mang thai thất bại đầu tiên, nhiều cặp vợ chồng sẽ sinh ra cảm giác lo lắng, sợ hãi. Tuy nhiên, các chuyên gia khoa sản cho biết những gì đã từng xảy ra, chúng ta không thể nào thay đổi được chính vì thế mọi người hãy thư giãn tinh thần. Hãy để tâm trạng lúc nào cũng vui vẻ thì quá trình mang thai sẽ diễn ra thuận lợi, đồng thời thai nhi trong bụng cũng tránh được những ảnh hưởng nhất định từ tâm lý người mẹ.
Chuẩn bị mang thai nên uống thuốc bổ gì?
Bổ sung thuốc bổ là một trong những điều cần chuẩn bị trước khi mang thai giúp người phụ nữ phòng chống thiếu hụt các vi chất quan trọng cho cơ thể mẹ và bé trong suốt 9 tháng 10 ngày mang thai. Vậy chuẩn bị mang thai nên uống thuốc bổ gì?
- Acid folic: Theo các chuyên gia, acid folic là loại vitamin cần thiết cho quá trình tổng hợp ADN, nếu cơ thể người mẹ thiếu nó, thai nhi có nguy cơ bị dị tật.
- Acid béo Omega-3 DHA/EPA: Trước khi mang thai, chị em phụ nữ nên bổ sung thêm Acid béo Omega-3 DHA/EPA để tăng dòng máu tới tử cung, cung cấp dinh dưỡng tốt nhất cho sự làm tổ của bào thai.
- Sắt: Trước khi mang thai, mẹ bầu nên bổ thêm thuốc sắt để tránh gặp phải tình trạng thiếu máu, hoa mắt, chóng mặt…
Với các loại thuốc bổ cho chị em phụ nữ, các bác sĩ chuyên khoa sản khuyên mọi người nên uống bổ sung trước khi mang thai là 3 tháng. Tốt nhất mọi người nên đến bệnh viện hoặc các phòng khám uy tín để nhận được sự tư vấn, lời khuyên chính xác nhất từ bác sĩ.
Đừng quá lo lắng, sợ hãi rằng lịch sử sẽ lặp lại, chỉ cần bạn chú ý đi thăm khám sức khỏe thường xuyên; ăn uống lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng… thì không phải đợi lâu đâu, chắc chắn con yêu sẽ đến bên bạn một lần nữa. Và đương nhiên sẽ đến với hình hài hoàn thiện và khỏe mạnh nhất.
Bài viết liên quan
Bài viết xem nhiều
Email Marketing là một trong những mắt xích quan trọng trong mỗi chiến lược Marketing của doanh nghiệp, nó góp phần vào việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cũng như tăng tỷ lệ chuyển đổi…
Blogger Tin Tran tiếp tục sưu tập gửi đến các bạn độc giả 5 câu chuyện ngắn cuộc sống ý nghĩa. Hy vọng các bạn đọc sẽ rút ra những bài học kinh nghiệm để hoàn thiện bản thân.
Kinh doanh gì vào mùa đông là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm khi những ngày thu gió rét đang đến gần. Những ngày thời tiết chuyển dần sang thu, cứ xế chiều lại thòm thèm chút quà vặt lai rai,
Biết nuôi dưỡng tâm hồn chính là bạn đã nuôi dưỡng vẻ đẹp bên trong để thêm yêu bản thân hơn. Luôn tạo được cảm giác ấm áp hơn cho những người xung quanh. Hơn nữa, bạn sẽ nhận được nhiều cơ hội mà mìn
Kinh doanh tiệm rửa xe ô tô không khó, tuy nhiên để lựa chọn cho mình mô hình kinh doanh phù hợp thì không phải ai cũng làm được.